QUỐC PHÒNG – AN NINH – ĐỐI NGOẠI

Cần Thơ mong muốn hợp tác với G4 để ứng phó với biến đổi khí hậu
Cập nhật lúc 01:38 ngày 19/04/2024 - Số lượt xem: 125

Cần Thơ mong muốn hợp tác với G4 để ứng phó với biến đổi khí hậu


Ngày 17/4, lãnh đạo UBND thành phố Cần Thơ có buổi làm việc với Đoàn công tác Đại sứ quán các nước Canada, New Zealand, Na Uy và Thụy Sĩ (Nhóm G4) đến tìm hiểu các vấn đề sạt lở, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, di cư và các nhu cầu hỗ trợ, hợp tác hiện nay của thành phố Cần Thơ cũng như Đồng bằng sông Cửu Long.

Đoàn công tác của Đại sứ quán Canada, Na Uy, New Zealand và Thụy Sĩ (Nhóm G4) tại buổi làm việc với UBND TP Cần Thơ.

Bà Leigh McCumber, Phó Đại sứ Canada tại Việt Nam, Chủ tịch Nhóm G4, Trưởng đoàn công tác cho biết, G4 là đối tác phát triển lâu dài của Việt Nam, đã hợp tác với Việt Nam 23 năm qua. Trong chuyến công tác lần này, G4 muốn giới thiệu đến thành phố Cần Thơ về nhóm và những ưu tiên hợp tác với Việt Nam. Đồng thời, tìm hiểu các thông tin về địa phương, đặc biệt liên quan đến chính sách của địa phương về thích ứng với khí hậu cũng như tác động của biến đổi khí hậu đối với cộng đồng địa phương.

Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè phát biểu tại buổi làm việc.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè cho biết, Cần Thơ có vị trí địa lý khá thuận lợi, với dòng sông Hậu đi qua với chiều dài khoảng 60km. Thành phố nằm cách xa Biển Đông khoảng 80km nên điều kiện về nguồn nước ngọt tương đối thuận lợi hơn một số tỉnh khác.

Tuy nhiên, trước tác động, ảnh hưởng ngày càng rõ nét của biền đổi khí hậu, tác động của thiên tai, cả nhân tai, thành phố luôn cảnh giác, không chủ quan trong việc ứng phó và thích ứng với tình hình hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn đã và đang diễn ra trên khắp Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hè, biến đổi khí hậu đang có những diễn biến rất phức tạp, khó lường. Cần Thơ cũng thiếu kinh nghiệm thực tiễn nên rất mong muốn được sự hỗ trợ, hợp tác từ phía nhóm G4 về các vấn đề như: nâng cao nhận thức cộng đồng về biến đổi khí hậu, các giải pháp ứng phó, vấn đề thuận thiên, sinh kế của người dân, giảm phát thải khí mê tan, giảm rác thải nhựa, tích trữ nước, hạn chế tình trạng sạt lở bờ sông...

Ông Nguyễn Ngọc Hè cho biết, các loại hình thiên tai hàng năm ở Cần Thơ là sạt lở bờ sông, ngập lụt đo thị và lốc xoáy. Riêng sạt lở diễn ra ngày càng nhiều do đặc điểm điều kiện dòng sông của Cần Thơ. Đây là vấn đề khó khăn mà thành phố đang phải đối mặt.

Để ứng phó với tình trạng này, Cần Thơ đã đề ra 2 giải pháp gồm giải pháp công trình và phi công trình. Những giải pháp phi công trình được thành phố thực hiện rất nhiều nhưng do đặc điểm dòng chảy nên giải pháp này mang lại hiệu quả không cao, do đó đòi hỏi giải pháp công trình rất lớn.

Thành phố đang tích cực đầu tư cơ sở hạ tầng, thủy lợi, giao thông thủy và giao thông đường bộ. Riêng vấn đề ngập lụt đô thị, trong 6 năm qua Cần Thơ đã triển khai các dự án chống ngập cho khu vực trung tâm thành phố, dự kiến cuối năm 2024 sẽ hoàn thành, góp phần bảo vệ một phần quận Ninh Kiều khỏi tình trạng ngập lụt.

Bên cạnh đó, thành phố có kế hoạch chuyển đổi mùa vụ, cơ cấu cây trồng vật nuôi ở khu vực nông thôn để thích ứng với biến đổi khí hậu.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cho rằng, ứng phó với biến đổi khí hậu không chỉ là công việc riêng mỗi địa phương mà cần liên kết vùng, kết nối với các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long để có thể triển khai hiệu quả các giải pháp, qua đó ứng phó một cách có hiệu quả nhất.

Song song đó, thành phố cùng các địa phương trong vùng cũng kiến nghị Chính phủ tăng cường hợp tác quốc tế để bảo vệ nguồn nước, hạn chế tình trạng xâm nhập mặn đang diễn ra ngày càng gay gắt.

"Cần Thơ nói riêng và Việt Nam nói chung đang trong quá trình phát triển nên các nguồn lực có giới hạn, do đó thành phố mong muốn hợp tác với các tổ chức quốc tế trong đó có nhóm G4 để hỗ trợ thành phố và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long có những giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo cuộc sống cho người dân như tinh thần Nghị quyết 120 của Chính phủ đã đề ra", ông Nguyễn Ngọc Hè nói.

Bà Leigh McCumber, Phó Đại sứ Canada tại Việt Nam, Chủ tịch Nhóm G4 phát biểu tại buổi làm việc.

Tại buổi làm việc, đại diện Đại sứ quán Na Uy, New Zealand và Thụy Sĩ cũng trao đổi với lãnh đạo UBND thành phố Cần Thơ những vấn đề mà G4 quan tâm như ảnh hưởng của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mekong, đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp vừa được khởi động ở Đồng bằng sông Cửu Long, vấn đề sinh kế cho người dân ở trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu…

Bà Leigh McCumber, Phó Đại sứ Canada, Chủ tịch G4 cho biết, biến đổi khí hậu rất phức tạp, đa tầng và là vấn đề toàn cầu chứ không riêng của quốc gia nào. Những chia sẻ của ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ đối với những lĩnh vực mà thành phố cần hợp tác rất phù hợp với sự quan tâm cũng như các chương trình mà G4 đang thực hiện. Đó là tăng cường nhận thức cho cộng đồng về giảm phát thải khí CO2, chống rác thải nhựa hay các giải pháp dựa vào thiên nhiên…

Theo bà Leigh McCumber, những vấn đề đang xảy ra ở Đồng bằng sông Cửu Long là vấn đề toàn cầu và đó là mối quan tâm lớn của G4. Những thông tin thu thập được sẽ giúp cho các nước G4 trong việc đề xuất những chính sách cũng như chương trình hợp tác với Việt Nam trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè trao đổi với Đoàn công tác Nhóm G4 bên lề buổi làm việc.

Tin, ảnh: Liêm Thanh





Chia sẻ bài viết:  
  In bài viết